+84-4-37450188

Chiến lược phát triển Trường Đại học Y Dược

Ngày: 17/04/2017 21:45

I. BỐI CẢNH VÀ HIỆN TRẠNG

1.1. Bối cảnh

- Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, tạo nhiều cơ hội cho các nước đang phát triển tham gia vào mạng lưới giá trị toàn cầu. Nhiều tiềm năng phát triển được khai thác từ bên ngoài (như vốn, công nghệ…). Tuy vậy, việc thu hút và sử dụng các nguồn lực này đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Giáo dục đại học đang có xu hướng quốc tế hóa ngày càng mạnh. Quá trình này tạo cơ hội cho các đại học ở các nước đang phát triển tiếp cận nhanh với trình độ quốc tế. Tuy nhiên, xu hướng này cũng đặt ra thách thức cho các đại học ở các nước đang phát triển trong cạnh tranh thu hút người học, và thu hút các nguồn lực khác.

- Ở quy mô toàn cầu, cuộc cách mạng trong y tế và chăm sóc sức khoẻ dựa trên nền tảng tiến bộ của khoa học cơ bản và công nghệ cao, điển hình là sự hội tụ nhanh giữa y học với công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ robốt và điện tử y-sinh trong hỗ trợ chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và phát triển dược phẩm... Vì vậy, hầu hết các nước trên thế giới hiện đều chọn mô hình đào tạo, nghiên cứu y-dược trong hệ thống đại học đa ngành, đa lĩnh vực; đào tạo bác sỹ, dược sỹ trên nền tảng đầu vào cơ bản là cử nhân khoa học.

- Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam đang gặp trở ngại vì thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó đặc biệt là đội ngũ cán bộ có năng lực nghiên cứu tạo nên giá trị gia tăng. Hầu hết các trường đại học y-dược là đại học đơn lĩnh vực, tách rời với khoa học cơ bản và công nghệ cao. Mô hình đào tạo chậm đổi mới (chủ yếu là đào tạo y dược thực hành). Chưa có mô hình đào tạo bác sĩ - nhà khoa học, dược sĩ - nhà khoa họcVì vậy, Việt Nam nằm trong số ít các nước còn lại trên thế giới chưa chuẩn hoá được chất lượng đầu ra của các cơ sở đào tạo lĩnh vực y-dược, mức độ hội nhập khu vực và quốc tế hạn chế vì chương trình đào tạo không tương đồng và các cơ sở đào tạo đại học y-dược chưa triển khai được việc kiểm định chất lượng độc lập.

1.2. Hiện trạng của Trường Đại học Y Dược tại ĐHQGHN

1.2.1. Điểm mạnh

- ĐHQGHN có uy tín và truyền thống hơn 100 năm từ thời Đại học Đông dương - một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có Trường Cao đẳng Y khoa (Ecole supérieure de Médecine) từng đặt trụ sở tại đường Lê Thánh Tông, tiền thân của ĐHQGHN hiện nay.

- Cơ chế quản trị đại học tự chủ và tự trách nhiệm cao dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ; có quan hệ hợp tác rộng rãi với nhiều đối tác có uy tín trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều đại học đứng đầu thế giới về khoa học y-dược, như ĐH Nantes (CH Pháp), ĐH Indiana, Iowa (Hoa Kỳ),

Trường Đại học Y Dược là đơn vị trực thuộc ĐHQGHN được thừa hưởng cơ sở vật chất dùng chung và nền tảng khoa học cơ bản vững chắc; nhiều chương trình đào tạo cử nhân khoa học đạt chuẩn quốc tế là cơ sở và điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao theo mô hình quốc tế: mô hình 3-4 năm (cử nhân khoa học) + x năm (đào tạo chuyên môn y, dược).

 1.2.2. Điểm yếu

- Là đơn vị mới thành lập, chưa nhiều kinh nghiệm, đặc biệt về y-dược thực hành và lâm sàng; chưa có đội ngũ cán bộ vừa có năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ y tế theo chuẩn quốc tế hiện đại; hệ thống các trang thiết bị nghiên cứu đặc trưng y, dược mới đang ở giai đoạn đầu tư.

- Nguồn lực tài chính còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai các hoạt động giảng dạy và đặc biệt là nghiên cứu khoa học theo chuẩn khu vực và quốc tế.

- Tính chuyên nghiệp chưa cao, hầu hết cán bộ quản lý trưởng thành từ chuyên môn, không hoặc ít được đào tạo về quản lý, nên quản trị theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Nhiều giảng viên chưa quen với phương pháp giảng dạy tại đại học theo mô hình đại học nghiên cứu tiên tiến.

1.2.3. Cơ hội

- Được tổ chức đào tạo nhân lực y dược theo mô hình mới, cơ chế tự chủ cao, qui trình và công nghệ mới gắn chặt với khoa học cơ bản, công nghệ cao.

- Nhu cầu xã hội đối về nguồn nhân lực và dịch vụ y tế chất lượng cao; hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống, sự phát triển bền vững và sức cạnh tranh của nền kinh tế tri thức ngày càng lớn.

1.2.4. Thách thức

- Cạnh tranh từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở khám chữa bệnh trong thu hút đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý trình độ cao.

- Các lợi thế ngắn hạn nhờ chính sách ưu tiên của Nhà nước và Chính phủ cho các ĐHQG suy giảm theo thời gian và đang được mở rộng áp dụng cho nhiều trường đại học trọng điểm khác.

II. SỨ MỆNH, TẦM NHÌN

2.1. Sứ mệnh

- Đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài dựa vào nghiên cứu trong trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Đóng góp tích cực trong đổi mới hệ thống giáo dục đại học y dược Việt Nam, từng bước tiếp cận và chủ động hội nhập quốc tế.

2.2. Tầm nhìn đến năm 2030

- Trở thành một trường đại học về khoa học sức khỏe theo định hướng nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam, được xếp hạng ngang tầm một đại học tiên tiến trong khu vực; một số ngành và chuyên ngành đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Sáng tạo và chuyển giao các kết quả nghiên cứu dựa trên khoa học cơ bản và công nghệ cao đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần nâng cao sức khoẻ cộng đồng và tạo động lực phát triển nền khoa học-công nghệ y dược của đất nước.

III. MỤC TIÊU

3.1. Mục tiêu chung

- Hoàn thiện mô hình trường đại học nghiên cứu về khoa học sức khỏe trong hệ thống đại học đa ngành, đa lĩnh vực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Phấn đấu một số ngành và chuyên ngành đạt chuẩn kiểm định AUN vào năm 2020, từng bước tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của y học Việt Nam, chủ động hội nhập cộng đồng giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

3.2. Mục tiêu cụ thể

3.2.1. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo mô hình quốc tế, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế

- Tới năm 2018, xây dựng và hoàn thiện mô hình tiên tiến về đào tạo 5 ngành mới tại ĐHQGHN gồm: Y đa khoa, Dược học, Bác sĩ Răng Hàm Mặt, Cử nhân kỹ thuật y học và Cử nhân xét nghiệm y học, với qui mô đào đạo hằng năm đạt 800 sinh viên. Áp dụng đào tạo thí điểm 02 ngành Y đa khoa và Dược học theo mô hình 4 năm (cử nhân khoa học) + x năm (đào tạo chuyên môn y, dược), coi đây là thế mạnh và đặc trưng của Trường Đại học Y Dược -  ĐHQGHN.

- Tới năm 2020, quy mô đào tạo đại học hằng năm đạt 1950 sinh viên. Đủ điều kiện tuyển sinh 5 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, gồm: ThS. Khoa học Điều dưỡng, ThS. Dược lý và dược lâm sàng, ThS. Kỹ thuật hình ảnh y học, ThS. Y tế công cộng và ThS. Y học chức năng. Quy mô đào tạo sau đại học/tổng quy mô đào tạo tăng dần và đạt 30%, tỷ lệ quy mô đào tạo tiến sĩ/quy mô sau đại học đạt 15%, sinh viên quốc tế chiếm 1,5%. Có ít nhất 20% sinh viên tốt nghiệp có thể tiếp tục học sau đại học tại nước ngoài hoặc theo hệ đào tạo bác sĩ nội trú theo tiêu chuẩn hiện hành.

- Tổ chức đào tạo chất lượng cao, trong đó có ít nhất 2 chương trình, gồm Y đa khoa và Dược học được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn AUN.

3.2.2. Thu hút và đào tạo cán bộ, giảng viên đủ năng lực xây dựng đại học nghiên cứu tiên tiến về khoa học sức khỏe

- Thu hút và đào tạo cán bộ, giảng viên theo lộ trình phát triển quy mô đào tạo, đến năm 2020 đạt 280 biên chế. Trong đó, tỷ lệ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư đạt 30%, trình độ tiến sĩ trở lên đạt 70%; số giảng viên giảng dạy bằng tiếng Anh đạt 30% và 90% cán bộ quản lý thành thạo một ngoại ngữ; 100% giảng viên gắn kết hoạt động giảng dạy với nghiên cứu khoa học.

3.2.3. Xây dựng tiềm lực và phát triển sản phẩm khoa học công nghệ

- Tới năm 2018, xây dựng và ổn định hoạt động 2 trung tâm: Trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng Y học và Trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng Dược học dựa trên thế mạnh của ĐHQGHN về công nghệ y sinh và dược học phân tử; thiết lập môi trường nghiên cứu vệ tinh cho các bộ môn trong Khoa, hình thành 2 nhóm nghiên cứu mạnh về phát triển sản phẩm phòng, chữa bệnh từ thảo dược và ứng dụng y sinh phân tử trong chẩn đoán và điều trị.  

- Tới năm 2020, hằng năm xuất bản tối thiểu 1 sách chuyên môn; trong đó có một số chuyên khảo bằng tiếng Anh. Tỷ lệ công trình được đăng trên tạp chí khoa học có uy tín trong nước và quốc tế đạt trung bình 0,5 bài /giảng viên. Hằng năm có 10 công trình được công bố trên hệ thống tạp chí quốc tế (ISI, SCOPUS…); 1 đến 2 qui trình kỹ thuật hoặc sản phẩm được cấp bằng sở hữu trí tuệ hoặc sáng kiến hữu ích.

3.2.4.  Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu

- Tới năm 2016, đảm bảo đủ diện tích nhà xưởng khu nội thành đạt 6000m2, đủ 100% trang thiết bị, máy móc phục vụ đào tạo thực hành cho các môn y, dược học cơ sở và kỹ năng cận lâm sàng. Liên kết với Bệnh viện ĐHQGHN, đảm bảo tối thiểu 5000 m2 với 100 giường bệnh đạt chuẩn bệnh viện hạng II và Nhà thuốc thực hành GPP cho thực hành lâm sàng. 100% các môn học có giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo hiện đại, cập nhật quốc tế.

- Hoàn thiện hệ thống phòng thí nghiệm nghiên cứu trọng điểm, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo sau đại học kết hợp nghiên cứu khoa học vào năm 2020. Triển khai xây dựng và vận hành cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, xưởng sản xuất dược phẩm và dịch vụ y tế tại khu vực Hòa Lạc.

3.2.5. Cung cấp dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu xã hội

- Tới năm 2020, hình thành và từng bước hoàn thiện Tổ hợp giáo dục - khoa học – dịch vụ y dược tự chủ, tự chịu trách nhiệm của ĐHQGHN, hai trung tâm sẽ trở thành đơn vị hàng đầu trong cả nước về chuyển giao công nghệ y- sinh học phân tử, nghiên cứu dược lý - dược lâm sàng, phát triển thuốc có nguồn gốc thiên nhiên, thử nghiệm lâm sàng, bảo đảm chu trình khép kín “tri thức – thành tựu KHCN – sản phẩm dịch vụ chất lượng cao” được cung cấp ra thị trường, tạo nguồn thu ổn định, đạt tỷ trọng trên 50% tổng ngân sách Nhà nước cấp thường xuyên. Từng bước tiếp cận và đạt tiêu chuẩn tiên tiến trong khu vực vào năm 2030.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

4.1. Quản trị và cơ chế

4.1.1. Thiết lập cơ chế chính sách theo hướng phát huy nội lực, khuyến khích phát triển cá nhân và tăng cường hợp tác.

4.1.2. Hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý và ban hành một số quy chế, quy định mang tính đặc thù của Khoa, đảm bảo sự thống nhất, liên thông và phối hợp giữa các đơn vị trong quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ và hợp tác phát triển. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong quản lý.

4.2. Xây dựng chính sách thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo quy hoạch vị trí việc làm

4.2.1. Thu hút các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực sinh-y-dược trong và ngoài nước về giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa.

4.2.2. Tham gia hỗ trợ đào tạo bác sĩ nội trú (nhân tài y dược) theo hợp đồng đào tạo nhân lực cho Khoa.

4.2.3. Giúp đỡ, định hướng các sinh viên xuất sắc của Khoa học tập, nghiên cứu sau đại học và quy hoạch thu hút ở lại Khoa làm việc sau khi tốt nghiệp.

4.3. Tranh thủ nguồn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ giáo dục – y tế.

4.3.1. Tranh thủ nguồn đầu tư xây dựng cơ bản để phát triển mô hình mới về đào tạo và nghiên cứu y - dược hiện đại, hoàn thiện cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia và tiếp cận quốc tế tại nội thành (144, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội).

4.3.2. Đầu tư tăng cường năng lực, xây dựng mỗi lĩnh vực có một phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQGHN. Đảm bảo mỗi giáo sư có một phòng làm việc và phòng thí nghiệm tiêu chuẩn, 2 tiến sĩ có một phòng làm việc và các nghiên cứu sinh có một phòng nghiên cứu chuyên sâu, gắn kết với đào tạo.

4.3.3. Ứng dụng tin học trong quản lý cấp Khoa. Các thông tin quản lý giữa các đơn vị trong Khoa được liên thông qua hệ thống phầm mềm quản lý.

4.3.4. Xây dựng học liệu mở (OpenCourseWare), kết nối với website của Khoa để cán bộ, sinh viên truy cập thông tin, tài liệu dạy-học (e-books) trực tuyến kết nối với các trung tâm tư liệu trong nước và quốc tế.

4.3.5. Tiến hành mua và thuê các cơ sở dữ liệu khoa học y-dược có uy tín làm tư liệu học tập và nghiên cứu cho giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên.

4.3.6. Xã hội hóa nguồn lực để tăng cường cơ sở hạ tầng, bao gồm vận động, tìm kiếm tài trợ từ các doanh nghiệp, các quĩ, các đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để kết nối, hiện đại hóa cơ sở học liệu, thiết bị giảng dạy, nghiên cứu, cung cấp dịch vụ về giáo dục và y tế.

4.3.7. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở mới của Khoa tại Hoà Lạc, trong tiến trình chung phù hợp với kế hoạch của ĐHQGHN.

4.4. Hợp tác phát triển

4.4.1. Củng cố và nâng cao hiệu quả các chương trình hợp tác quốc tế đã được thiết lập: với Rennes (Pháp), Olsei (Hàn Quốc), Uppsala (Thụy Điển), Mahidol (Thái Lan), HelvietMed, Geneve (Thụy Sĩ), …

4.4.2. Đẩy mạnh các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên với các đại học quốc tế đã ký MOU. Phát triển mạng lưới nghiên cứu (networking) với các nhà khoa học có uy tín của nước ngoài. Tăng cường mời các giảng viên và thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập và nghiên cứu tại Khoa.

4.4.3. Phát huy triệt để cơ chế liên thông, liên kết, hợp tác toàn diện và tinh thần cộng đồng với các đơn vị thành viên của ĐHQGHN để nâng cao chất lượng, hiệu quả và gia tăng giá trị mọi hoạt động; tạo sản phẩm độc đáo, có sức cạnh tranh cao, góp phần nâng cao thương hiệu của Khoa và vị thế của ĐHQGHN.

4.4.4. Hợp tác tốt với các đơn vị y dược mạnh ngoài ĐHQGHN, giàu kinh nghiệm và truyền thống khu vực Hà Nội trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao.

4.5. Kế hoạch và tài chính

4.5.1. Các mục tiêu chiến lược sẽ được cụ thể hóa theo từng giai đoạn 5 năm (kế hoạch chiến lược), và từng năm (kế hoạch nhiệm vụ) để thực hiện.

4.5.2. Tranh thủ triệt để nguồn ngân sách nhà nước cấp cho đầu tư cơ sở vật chất ban đầu trong khuôn viên hiện nay, đặc biệt nguồn kinh phí được ĐHQGHN cấp ưu tiên bổ sung cho đơn vị mới thành lập để tập trung đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển các hướng nghiên cứu mạnh.

4.5.3. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tài chính phù hợp với quy định của Nhà nước để tạo động lực cho các đơn vị trực thuộc, cán bộ, viên chức, cộng tác viên, đối tác…tích cực tạo nguồn thu cho Khoa.

4.5.4. Thành lập một số cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục – y tế theo mô hình xã hội hóa, triển khai cung cấp dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu xã hội (liên kết với Bệnh viện ĐHQGHN), tạo nguồn tài chính bền vững hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao của Khoa.

4.5.5. Tăng cường tìm hiểu các thông tin về chủ trương, chính sách đầu tư/tài trợ, nguồn lực tài chính,… từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để chủ động xây dựng các đề án, dự án có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, tài trợ trong lĩnh vực khoa học sức khỏe.

4.5.6. Xây dựng Quỹ phát triển sự nghiệp để hỗ trợ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, cấp học bổng cho sinh viên xuất sắc và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

4.6. Đảm bảo chất lượng đào tạo

4.6.1. Quán triệt nội dung, tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO. Đảm bảo kỷ cương dạy và học trong Khoa theo các quy định hiện hành của ĐHQGHN.

4.6.2. Định kỳ triển khai thực hiện công tác kiểm định nội bộ các chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn kiểm định quốc gia và quốc tế (trước mắt theo chuẩn AUN).

4.7. Phát triển văn hóa công sở và xây dựng chiến lược thương hiệu y dược Đại học Quốc gia Hà Nội

4.7.1. Tạo môi trường làm việc năng động, sáng tạo, thi đua lành mạnh, đề cao tinh thần hợp tác và chia sẻ với những điều kiện làm việc tốt nhất, không ngừng nỗ lực nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức cộng tác viên, để mỗi thành viên tự hào, luôn muốn cống hiến và gắn kết với Khoa.

4.7.2. Triển khai tích cực, có hệ thống công tác xây dựng và phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh Trường Đại học Y Dược gắn với các giá trị cốt lõi của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhằm tăng uy tín, sức hấp dẫn đối với xã hội.

 V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

5.1. Trường Đại học Y Dược

- Chủ trì xây dựng kế hoạch ngắn hạn (hằng năm), kế hoạch trung hạn (5 năm) để triển khai thực hiện chiến lược này. Định kỳ báo cáo Lãnh đạo ĐHQGHN về kết quả đạt được.

5.2. Các đơn vị phối hợp

- Các trường thành viên, các đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm phối hợp triển khai nhiệm vụ trong phạm vi được giao theo quy định của ĐHQGHN.

5.3. Các ban chức năng

- Hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra các đơn vị liên quan triển khai thực hiện chiến lược này. Tham mưu cho Ban Giám đốc chỉ đạo Trường Đại học Y Dược đánh giá kết quả, điều chỉnh, bổ sung chiến lược và kế hoạch thực hiện cho phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn cụ thể trong phạm vi nhiệm vụ được giao.

 

 

Giới thiệu