Chiến lược phát triển Khoa học Công nghệ Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội (nay là Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN) đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được ban hành theo quyết định số 171/QĐ-KYD ngày 31 tháng 8 năm 2015. Chi tiết xem tại đây.
Bối cảnh
Khoa học và công nghệ thế giới đã trở thành lực lượng sản xuất hiện đại, là động lực phát triển và là nền tảng của nền kinh tế tri thức của các quốc gia.
Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ xác định “phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Chiến lược phát triển Khoa học và công nghệ quốc gia giai đoạn 2011-2020 cũng xác định “khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đến năm 2020, khoa học và Công nghệ Việt Nam có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực ASEAN và thế giới”
Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là một trong những tổ chức khoa học và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của cả nước, được Đảng và Chính phủ quan tâm chỉ đạo và đầu tư. Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ đến năm 2020 đã được phê duyệt với mục tiêu “Đến năm 2020, hoạt động khoa học và công nghệ đóng vai trò nòng cột cho sự phát triển ĐHQGHN thành Đại học định hướng nghiên cứu trong nhóm 100 đại học hàng đầu của Châu Á, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”.
Khoa Y Dược được thành lập theo quyết định số 1507/QĐ-TCCB ngày 20 tháng 5 năm 2010 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Khoa có sứ mệnh “Đi tiên phong trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ Y Dược cho ngành Y tế Việt Nam, đặc biệt là đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ cao ngang tầm khu vực và quốc tế. Khoa phải là một trong những trung tâm hàng đầu cả nước về nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, là đầu mối giao lưu quốc tế trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học Y học và Dược học”.
Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của Khoa Y Dược được xây dựng nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng nhiệm vụ ưu tiên và giải pháp phát triển khoa học và công nghệ của Khoa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
1. Quan điểm phát triển
Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển của Khoa. Khoa học và công nghệ phải đóng vai trò chủ đạo để tạo bước phát triển đột phá, nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút các nguồn lực, tạo nên thương hiệu của Khoa Y Dược.
Phát triển khoa học và công nghệ dựa trên thế mạnh nghiên cứu cơ bản và cơ sở hạ tầng của ĐHQGHN.
Phát triển khoa học và công nghệ theo hướng tiếp cận sản phẩm đầu ra, khoa học gắn liền với thực tiễn, tạo sản phẩm mới có hàm lượng khoa học và công nghệ cao cho ngành Y, Dược.
Phát triển thị trường khoa học và công nghệ gắn với thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, chuyển giao tri thức, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, khuyến khích các hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ.
Phát triển khoa học và công nghệ đồng hành cùng sự phát triển của bệnh viện ĐHQGHN.
Hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học và công nghệ vừa là mục tiêu, vừa là phương thức để đẩy nhanh tốc độ hội nhập và tạo bứt phá cho phát triển khoa học công nghệ của Khoa.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung
Đến năm 2020, hoạt động khoa học và công nghệ đóng vai trò nòng cốt trong sự phát triển Khoa theo định hướng đại học nghiên cứu, là điều kiện để trở thành một trường Đại học thành viên của ĐHQGHN.
2.2. Mục tiêu cụ thể
Đến năm 2020, lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ đạt một số mục tiêu chính như:
a) Hình thành và phát triển hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm và mục tiêu, hướng tới sản phẩm đầu ra rõ ràng, có hợp tác quốc tế mạnh và có liên hệ chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu trong toàn ĐHQGHN, cơ sở thực hành lâm sàng và doanh nghiệp trong/ngoài nước.
b) Phấn đấu 100% giảng viên là tiến sĩ trở lên và 75% giảng viên là thạc sĩ công bố ít nhất 01 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc tại các hội nghị khoa học trong và ngoài nước. Trên 85% giảng viên tham gia các đề tài Khoa học Công nghệ (KHCN), trong đó 100% cán bộ có trình độ Tiến sỹ, Tiến sỹ Khoa học chủ trì hoặc tham gia thực hiện đề án KHCN các cấp.
c) Phấn đấu mỗi năm có ít nhất 1-2 sản phẩm được chuyển giao, hoặc thương mại hóa; 2-4 đăng ký giải pháp hữu ích (các quy trình xét nghiệm mới ứng dụng, quy trình bào chế dược phẩm ứng dụng lần đầu ở Việt Nam) hoặc sáng chế được thực hiện.
d) Đến năm 2020, có ít nhất 1 vườn ươm hoặc doanh nghiệp khoa học công nghệ được thành lập. Đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến dịch vụ khoa học công nghệ chất lượng cao.
e) Công bố được nhiều ấn phẩm có giá trị, trong đó đến năm 2020, số lượng công bố đăng trên các tạp chí khoa học thuộc hệ thống ISI và Scopus đạt mức trung bình 15 bài/năm. Có ít nhất 2 sách chuyên khảo bằng tiếng Việt được ấn hành tính đến năm 2020.
f) Đẩy mạnh các chương trình hợp tác nghiên cứu với các đối tác nước ngoài. Đến năm 2020, có ít nhất 2 chương trình nghiên cứu hợp tác với nước ngoài được ký kết và triển khai.
g) Tham gia các hoạt động Khoa học và công nghệ cấp quốc gia và khu vực. Phấn đấu đến năm 2020, đạt ít nhất 2 giải thưởng KHCN cấp quốc gia hoặc khu vực/năm.
h) Số lượng kinh phí cho các đề tài, dự án khoa học và công nghệ tăng 15 - 20% mỗi năm, trong đó các hợp đồng nghiên cứu triển khai với các cơ sở bệnh viện và doanh nghiệp Dược chiếm tỷ lệ cao hơn phần ngân sách nhà nước. Phấn đấu đến năm 2020, kinh phí thực hiện các đề tài/dự án tại Khoa từ các nguồn ngân sách khác nhau đạt 10 tỷ/năm.
Các chỉ tiêu cơ bản chiến lược Khoa học và Công nghệ Khoa Y Dược đến năm 2020 được thể hiện chi tiết trong phụ lục 1.
3. Định hướng nhiệm vụ ưu tiên
3.1. Nghiên cứu phát triển thuốc
Áp dụng công nghệ cao trong nghiên cứu phát triển thuốc (hoặc sản phẩm) có nguồn gốc từ thiên nhiên là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược khoa học và công nghệ đến năm 2020. Các hoạt động của nghiên cứu phát triển thuốc/sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên bao gồm: phát triển vùng nguyên liệu, tiêu chuẩn hóa nguyên liệu, hiện đại hóa dạng bào chế, nghiên cứu tác dụng sinh học, đánh giá lâm sàng, sở hữu trí tuệ và chuyển giao sản phẩm. Hoạt động nghiên cứu phát triển thuốc/sản phẩm từ thiên nhiên hướng tới các sản phẩm có giá trị, có hàm lượng chất xám cao, được xã hội công nhận và góp phần làm nên thương hiệu của ĐHQGHN.
3.2. Nghiên cứu dược động học và tương đương sinh học
Nghiên cứu dược động học và tương đương sinh học trong nghiên cứu phát triển thuốc, hiện đại hóa dược liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả điều trị… là nhiệm vụ ưu tiên trong các hoạt động khoa học và công nghệ của Khoa. Nghiên cứu dược động học và tương đương sinh học cần bám sát Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, góp phần khẳng định vai trò và vị trí tiên phong của ĐHQGHN trong việc phối hợp giải quyết các vấn đề lớn của đất nước. Hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu lâm sàng và tương đương sinh học trở thành trung tâm số 1 của Việt Nam về nghiên cứu lâm sàng và tương đương sinh học của thuốc.
3.3. Công nghệ gen trong nghiên cứu phát triển Y-Dược học
Công nghệ gen là mũi nhọn và là thế mạnh của Khoa Y Dược. Đến năm 2020, tập trung các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến công nghệ gen ứng dụng trong lĩnh vực Y Dược như: phát triển các thụ thể tái tổ hợp phục vụ cho nghiên cứu phát triển thuốc, dự đoán tiên lượng và đáp ứng điều trị, nghiên cứu đích tác dụng, chẩn đoán phân tử và cá thể hóa điều trị. Công nghệ gen trong nghiên cứu phát triển Y-Dược học thực sự là điểm nhấn quan trọng, tạo nên dấu ấn riêng của ĐHQGHN trong lĩnh vực Y Dược nói chung.
3.4. Dịch vụ khoa học công nghệ
Đẩy mạnh khai thác và khai thác có hiệu quả các hợp đồng nghiên cứu với các bệnh viện và các công ty dược, gồm:
Dịch vụ liên quan đến nghiên cứu phát triển thuốc
-
Nghiên cứu tác dụng sinh học và độc tính tiền lâm sàng của thuốc/sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu;
-
Nghiên cứu phát triển các dạng bào chế hiện đại, bào chế thuốc vô trùng từ dược liệu;
-
Nghiên cứu dược động học và tương đương sinh học;
-
Các dịch vụ có liên quan khác theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Dịch vụ liên quan đến công nghệ gen trong phát triển Y, Dược học
-
Công nghệ gen phục vụ nghiên cứu phát triển thuốc và chuẩn hóa dược liệu;
-
Công nghệ gen trong chẩn đoán phân tử;
-
Công nghệ gen trong tiên lượng đáp ứng thuốc và cá thể hóa điều trị.
Phát triển các chương trình và tổ chức các khóa đào tạo liên tục - chuyển giao công nghệ mới cho cơ sở Y, Dược về:
-
Tin sinh học trong sàng lọc thuốc/sản phẩm từ dược liệu;
-
Các mô hình nghiên cứu dược lý hiện đại để đánh giá tác dụng sinh học và độc tính tiền lâm sàng của thuốc/sản phẩm từ dược liệu;
-
Nghiên cứu dược động học trong nghiên cứu phát triển thuốc;
-
Dược động học lâm sàng và ứng dụng trong sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả;
-
Các quy trình phân tích dịch sinh học, bệnh phẩm phục vụ chẩn đoán bệnh và cá thể hóa điều trị.
-
Dịch vụ khác
-
Tư vấn và hợp đồng nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng;
-
Tư vấn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả;
-
Tư vấn thiết kế nghiên cứu khoa học y dược.
4. Các giải pháp chủ yếu
4.1. Giải pháp về thông tin
Thúc đẩy thương mại, quảng bá các sản phẩm/dịch vụ khoa học công nghệ phục vụ chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu thuốc.
Phổ biến chiến lược khoa học công nghệ tới toàn thể cán bộ Khoa, thống nhất hoạt động theo chiến lược được phê duyệt. Tăng cường tổ chức các Hội nghị hội thảo theo nhiệm vụ trọng tâm, giao lưu hợp tác với các chuyên gia trong cùng lĩnh vực. Đẩy mạnh công tác thông tin trên trang web của Khoa.
Thường xuyên rà soát, trao đổi chuyên môn, seminar khoa học, bám sát mục tiêu chiến lược và các nhiệm vụ ưu tiên được phê duyệt.
4.2. Giải pháp về tổ chức
Phát triển hai phòng thí nghiệm trọng điểm dựa trên hai dự án đã được phê duyệt: Phòng thí nghiệm Dược và phòng thí nghiệm Y học chẩn đoán và kỹ thuật cận lâm sàng tiên tiến.
Quy hoạch tổ chức khoa học công nghệ cấp Khoa và tiếp tục xây dựng các dự án đầu tư trung và dài hạn để nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao trí thức.
Xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu tiềm năng, và nhóm nghiên cứu mạnh
4.3. Giải pháp về nhân lực
Đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học chủ chốt, đào tạo nghiên cứu viên, kỹ thuật viên của Khoa và của Bệnh viện để đáp ứng nhu cầu nhân lực cao phục vụ định hướng phát triển của Khoa.
Liên kết với các nhà khoa học, các bệnh viện, cơ sở thực hành lâm sàng, công ty Dược trong và ngoài ĐHQGHN theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi.
Tổ chức các bộ môn theo nhóm nghiên cứu, kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Có cơ chế thu hút đầu tư thỏa đáng, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học làm việc, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Với mỗi hướng nghiên cứu, có đề án nhân sự kèm theo.
Có chính sách và cơ chế thuê chuyên gia/cán bộ nghiên cứu theo hợp đồng dịch vụ, nhiệm vụ khoa học công nghệ.
4.4. Giải pháp về cơ sở vật chất
Đầu tư trang thiết bị vật chất phục vụ cho các hướng nghiên cứu ưu tiên, hình thành tổ chức và xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm Y và Dược của Khoa. Trước mắt, phối hợp với Ban quản lý các dự án thực hiện hiệu quả hai dự án đã được phê duyệt: “Dự án xây dựng phòng thí nghiệm Dược” và “Dự án xây dựng phòng thí nghiệm Y học chẩn đoán và kỹ thuật cận lâm sàng tiên tiến”.
Tiếp tục xây dựng các dự án đầu tư trung và dài hạn để nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao trí thức, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và dịch vụ trong lĩnh vực y, dược.
Khai thác các nguồn ngân sách đầu tư từ các quỹ khoa học công nghệ, các dự án tăng cường năng lực nghiên cứu .v.v…
Tận dụng cơ sở vật chất dùng chung của các đơn vị nghiên cứu trong ĐHQGN, các thiết bị của bệnh viện, các doanh nghiệp hợp tác, phát huy tối đa hiệu quả các dự án đầu tư thiết bị giảng dạy cho nghiên cứu khoa học trước đây và thiết bị của Bệnh viện ĐHQGHN.
4.5. Giải pháp về tài chính
Phát huy tối đa mọi nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ, bao gồm phát triển đề tài, dự án các cấp (trong và ngoài ĐHQGHN), đề án sản xuất thử nghiệm từ NSNN
Khai thác các đề tài, dự án từ nghị định thư, hợp tác với nước ngoài, từ đặt hàng của các doanh nghiệp, địa phương…
Tìm và khai thác hợp đồng nghiên cứu triển khai với các doanh nghiệp, các bệnh viện... sẽ dần trở thành nguồn tài chính chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ được giao.
5. Tổ chức thực hiện
Giám đốc ĐHQGHN đồng ý về chủ trương. Chủ nhiệm Khoa Y Dược ban hành chiến lược phát triển Khoa học Công nghệ của Khoa đến năm 2020.
Ban khoa học công nghệ quản lý chung và giám sát các hoạt động khoa học công nghệ của Khoa theo đúng chiến lược.
Phó Chủ nhiệm phụ trách KHCN và các phó chủ nhiệm khác phối hợp điều hành các bộ môn, phòng chức năng thực hiện nhiệm vụ theo đúng chiến lược.
Nhiệm vụ khoa học công nghệ sẽ được cụ thể hóa bằng các đề án và kế hoạch khả thi để thực hiện các đề án đó.
Phòng khoa học công nghệ là đầu mối hướng dẫn các bộ môn, nhóm nghiên cứu, cán bộ khoa học thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ theo đúng định hướng ưu tiên; đồng thời đề xuất các giải pháp hợp lý để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khoa học công nghệ của Khoa đến năm 2020.
PHỤ LỤC
CÁC CHỈ TIÊU CƠ BẢN
Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ Khoa Y Dược đến năm 2020
TT
|
Tiêu chí
|
Chỉ tiêu
|
2015
|
Đến 2020
|
1
|
Số bài báo, báo cáo khoa học/năm
|
|
|
|
Trong nước
|
6
|
20
|
|
Quốc tể, trong đó số bài báo thuộc hệ thống ISI và Scopus
|
20
|
20
|
2
|
Sách chuyên khảo/năm
|
0
|
2
|
3
|
Sáng chế, giải pháp hữu ích
|
0
|
4
|
5
|
Sản phẩm khoa học công nghệ được chuyển giao hoặc thương mại hóa/năm
|
1
|
1
|
6
|
Chương trình hợp tác nghiên cứu với các đối tác (cấp ĐHQGHN trở lên/năm)
|
0
|
2
|
7
|
Phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu mạnh
|
1
|
2
|
8
|
Doanh nghiệp vườn ươm KH&CN
|
0
|
1
|
- UMP Media|
- 11/10/23 14:57:39