Disable Preloader

GS.TS.TTND Lê Ngọc Thành và nhóm các chuyên gia, bác sĩ đạt thành tựu lớn với ca ghép phổi kéo dài 12 tiếng của ngày 30 Tết

Bệnh viện Phổi Trung ương vừa phối hợp với các chuyên gia về tim mạch Bệnh viện E và GS. Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN thực hiện thành công ca ghép phổi vào ngày 30 Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Nữ bệnh nhân trẻ, 21 tuổi đã được ghép 2 lá phổi từ người cho là nam thanh niên 26 tuổi bị chết não do tai nạn giao thông. Hoạt động lấy tạng được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau đó tạng phổi được bảo quản nghiêm ngặt và chuyển về Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện ngay trong ngày.

Dấu ấn trong lĩnh vực ghép mô tạng tại Việt Nam

Bệnh nhân quê Bắc Kạn, đang là sinh viên của một trường đại học và phải bỏ giữa chừng vì không may mắc bệnh phổi giai đoạn cuối, người bệnh phải thở oxy dài hạn tại nhà, luôn cần người hỗ trợ cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Cô gái mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM), hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ, là một bệnh hiếm gặp và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Bệnh lý này tạo các kén khí trong phổi, lan toả và làm mất chức năng phổi.

Tình trạng người bệnh rất nặng, khả năng tử vong trong vòng vài tháng tới nếu không được ghép phổi. Người bệnh đã được quản lý, theo dõi tại Bệnh viện Phổi Trung ương từ năm 2020 và chờ ghép phổi từ vài tháng nay vì 2 lá phổi tổn thương nghiêm trọng, tình trạng suy hô hấp nặng, tiên lượng tử vong cao.

13 giờ ngày 8/2/2024 (29 Tết), sau khi nhận được thông tin có phổi hiến từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Phổi Trung ương đã kích hoạt khẩn cấp Chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh được nhận tạng ngay trong đêm.

Bệnh viện đã huy động khoảng 80 nhân lực trực tiếp tham gia, đồng thời có sự phối hợp và hỗ trợ từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, các Bệnh viện như: 108, E, Hữu nghị, Tim Hà Nội…

Sau khi hội chẩn với GS. Jasleen, Giám đốc trung tâm ghép phổi UCSF (là Trung tâm y học uy tín lớn nhất miền Tây, Hoa Kỳ), GS.TS Lê Ngọc Thành (Chủ tịch hội Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực Việt Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN), TS. Nguyễn Công Hựu (Giám đốc Bệnh viện E) cùng nhóm bác sĩ ở Bệnh viện phổi Trung ương, Bệnh viện E đã quyết định khởi động khẩn cấp ca ghép phổi này.

Ca phẫu thuật được tiến hành vào ngày 9/2/2024 (tức vào 30 Tết), kéo dài 12 giờ (từ 10 giờ sáng tới 22 giờ đêm). GS. TS Lê Ngọc Thành, TS.BSCC. Đinh Văn Lượng cùng các thầy thuốc và chuyên gia Bệnh viện Phổi Trung ương, phối hợp với các thầy thuốc, chuyên gia từ Bệnh viện E. Bên cạnh đó còn có sự phối hợp và hỗ trợ từ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội…

Ca ghép đã thành công tốt đẹp ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của UCSF. Đây là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng, đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận, các bác sĩ, chuyên gia, phải đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận rất chặt chẽ.

Quy trình lấy phổi, ghép phổi phức tạp đòi hỏi kỹ thuật cao từ khâu lấy phổi, bảo quản, vận chuyển, kiểm soát nhiễm khuẩn, gây mê hồi sức, tim mạch, phẫu thuật lồng ngực, dược, huyết học, miễn dịch, phục hồi chức năng, dinh dưỡng... Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng là yếu tố quyết định sự sống của người bệnh.

Ca phẫu thuật đã được thực hiện chặt chẽ, bài bản theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế từ Trung tâm ghép phổi UCSF, là 1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Hoa Kỳ.

12 giờ sau mổ, người bệnh đã tỉnh, tự thở những hơi thở đầu tiên của hai lá phổi mới trong những giọt nước mắt hạnh phúc của cả người bệnh và kíp thực hiện ghép phổi. Ngay trong ngày đầu tiên sau ghép phổi, người bệnh đã phục hồi tốt, các chỉ số hô hấp ổn định.

Thành công cần sự đồng lòng của cả hệ thống

Là người tham gia trực tiếp phẫu thuật với tư cách trưởng nhóm chỉ đạo ca mổ, GS Lê Ngọc Thành chia sẻ: “Từ lâu lắm gia đình tôi mới hòa mình trong không khí của sự kiện phẫu thuật cấp cứu khó như vậy, lại đúng đêm 29 và ngày 30 tết, nhưng với lòng đam mê, yêu nghề và mong mỏi phục hồi sự sống cho bệnh nhân trẻ, sự tin tưởng, ủng hộ của gia đình và đặc biệt là ý thức được sự mong mỏi thực hiện ghép phổi tại bệnh viện của Bệnh viện Phổi Trung ương. Chính vì vậy, đêm 29 tết, tôi cùng ekip chuyên gia hội chẩn thâu đêm và trực tiếp tham gia từ khâu đầu tiên hội chẩn, lấy phổi ghép, mổ, đến khâu cuối cùng là săn sóc, theo dõi bệnh nhân sau ca mổ”.

Chia sẻ thêm vì sao không để các học trò của thầy cũng là chuyên gia giỏi về phẫu thuật mà thầy phải trực tiếp tham gia mổ từ đầu đến cuối, GS Thành bày tỏ, “sở dĩ tôi trực tiếp làm việc này, một là vì tâm huyết của cá nhân, hai nữa là tôi thấu hiểu sự mong mỏi lớn biết nhường nào của Bệnh viện Phổi với sự kiện này. Với lòng yêu nghề và quyết tâm làm điều này và tôi không muốn có bất kỳ một chút sơ sẩy nào xảy ra. Trong ca ghép phổi này, việc cắt bỏ lá phổi cũ đi là vô cùng khó khăn, vì bệnh bẩm sinh đã nhiều lần có biến chứng, đã can thiệp nhiều lần ở các tuyến... do vậy chỉ cần sơ sẩy chút như chảy máu là ảnh hưởng hết cả quá trình và nguy hiểm ngay tính mạng bệnh nhân. Vậy nên, tôi hy vọng để các học trò hiểu, nắm rõ được quá trình và học hỏi từ người thầy của mình qua những bài học kinh nghiệm thực tiễn này nhiều hơn nữa”.

Nói về thành công của ca mổ ghép phổi, GS Lê Ngọc Thành cũng chia sẻ thêm, sự thành công của cuộc phẫu thuật là nhờ có sự chuẩn bị tốt (người nhận – Bệnh viện Phổi và người cho phổi – Bệnh viện 108), cùng sự phối hợp nhịp nhàng, đoàn kết, nhất trí, đồng lòng của các đơn vị cơ sở y tế cùng đoàn chuyên gia. Giáo sư khiêm tốn nói, khâu ngoại khoa ‘của thầy trò tôi’ chỉ là mắt xích nhỏ trong thành công của hệ thống.

Bày tỏ niềm hạnh phúc khi cứu sống kỳ tích được bệnh nhân trẻ, GS Lê Ngọc Thành khiêm nhường chia sẻ, bác sĩ chỉ cần thêm chút niềm tin về khả năng chuyên môn, sự đồng lòng của các đơn vị liên quan và đặc biệt là mong ước, kỳ vọng, tin tưởng của bệnh nhân, và gia đình người bệnh, đôi lúc cũng chỉ cần động tác “thêm” ấy từ bác sĩ, cộng hưởng với sự may mắn của bệnh nhân sẽ làm nên một sự sống. Việc bệnh nhân Bắc Kạn ghép phổi thành công đó cũng là sự may mắn của cô bé dân tộc thiểu số khi được gặp thầy gặp thuốc”. GS Lê Ngọc Thành mong rằng thời gian tới sẽ có thêm nhiều ca mổ ghép tạng thành công để mang đến cơ hội cho các bệnh nhân khác đang chờ đợi. 

Qua ca phẫu thuật thành công này, GS. Lê Ngọc Thành cũng mong muốn, trong thời gian tới, nền y học nước nhà không cần trăm hoa đua nở mà cần có quy hoạch cụ thể, tập trung đầu tư chuyên sâu cho từng lĩnh vực cả về kỹ thuật, cơ sở vật chất, hạ tầng, con người, và chỉ đạo, động viên, sự phối hợp giữa các chuyên gia giỏi tại các chuyên khoa khác nhau. GS. Lê Ngọc Thành đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm chỉ đạo để Việt Nam có quy hoạch chi tiết sâu về lĩnh vực ghép tạng ở từng cơ sở để đảm bảo tỷ lệ thành công, chất lượng cuộc sống sau ghép và tránh lãng phí nguồn lực tài chính, nhân lực. 

Sự thành công của các ca ghép phổi cho thấy Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng, đây là thành tựu tiêu biểu của Ngành Y tế Việt Nam, mang lại những giá trị to lớn cho sức khỏe người bệnh và nhân dân.
 

Trong buổi sáng 30 Tết, tại Bệnh viện 108, Giáo sư, Bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN đã trực tiếp tham gia ca phẫu thuật cùng các bác sĩ của Bệnh viện 108 lấy phổi ghép của bệnh nhân hiến đa tạng (Tim, Phổi, Gan, Tụy, Thận, Giác mạc, Chi thể), các tạng này đã được ghép cho 6 bệnh nhân trong dịp Tết Giáp Thìn 2024. Qua câu chuyện này, GS. Lê Ngọc Thành gửi gắm niềm tin và tri ân Bệnh viện 108 đã làm tốt trong công tác khuyên người nhà bệnh nhân hiến tạng, thời điểm và qui trình lấy tạng khi bệnh nhân chết não ở người khỏe không may qua đời do tai nạn… Đó cũng là cách mỗi người dân Việt Nam cùng nhau ủng hộ chương trình hiến mô tạng quốc gia trong cộng đồng.

Tại chuyến công tác và thăm hỏi, tặng quà cho người bệnh ngày 15/2/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ghi nhận và đánh giá cao đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Phổi Trung ương; các chuyên gia từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội và các chuyên gia quốc tế đã tham gia hỗ trợ, tư vấn cũng như biểu dương TS.BSCC. Đinh Văn Lượng (Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương), GS. TS. BS. Lê Ngọc Thành (Chủ tịch hội Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực Việt Nam), TS. Nguyễn Công Hựu (Giám đốc Bệnh viện E), ekip Nội khoa, Nội soi phế quản, phẫu thuật, gây mê hồi sức, chăm sóc sau mổ... và GS. Jasleen Kukreja Giám đốc Trung tâm ghép phổi UCSF (là Trung tâm y học uy tín lớn nhất miền Tây, Hoa Kỳ) - những chuyên gia đầu ngành đã quyết định và trực tiếp thực hiện ca ghép phổi.

 

GS. TS Lê Ngọc Thành tốt nghiệp đại học ngành Bác sĩ đa khoa Ngoại Sản năm 1984; Thạc sĩ, Bác sĩ Nội trú Ngoại năm 1987; Tiến sĩ năm 2001 tại Trường ĐH Y Hà Nội. Ông được trao tặng nhiều phần thưởng trong đó có Nhân tài đất Việt, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2021, được bổ nhiệm chức danh Giáo sư Y học năm 2015, phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân năm 2017.

GS.TS Lê Ngọc Thành đã từng trải qua các chức vụ lãnh đạo, quản lý như: Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E, Giám đốc Bệnh việ E, hiện nay ông đang là Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam; Ủy viên Ban chấp hành Hội Phẫu thuật viên Tim mạch Lồng ngực châu Á; Tổng biên tập Tạp chí Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Sức khỏe - một trong các Hội đồng chuyên môn của ĐHQGHN, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN.

 

Trường Đại học Y Dược là trường Đại học thành viên của ĐHQGHN được thành lập theo quyết định 1666/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2020 của Thủ Tướng Chính Phủ trên cơ sở nâng cấp và kế thừa Khoa Y Dược, được Giám đốc ĐHQGHN ký quyết định thành lập năm 2010 trên cơ sở truyền thống và tiếp nối lịch sử phát triển của Đại học Đông Dương – tiền thân của ĐHQGHN, trong đó có Trường Cao đẳng Y khoa (Ecole supérieure de Médecine - 1906) cũng như để đáp ứng yêu cầu phát triển của ĐHQGHN thành trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo xu thế hội nhập quốc tế của đất nước.

Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài dựa vào nghiên cứu, trên nền tảng khoa học cơ bản vững chắc, công nghệ cao và kinh tế - xã hội mũi nhọn, đóng góp tích cực trong đổi mới hệ thống giáo dục đại học Y, Dược ở Việt Nam. Trường Đại Học Y Dược xác định mục tiêu phát triển thành trường đại học định hướng nghiên cứu, thuộc nhóm đại học tiên tiến trong khu vực, đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển nền khoa học sức khỏe của đất nước cũng như góp phần hoàn thiện mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, dựa trên nền tảng khoa học cơ bản và công nghệ cao, hội nhập nhanh và toàn diện vào mái nhà chung của ĐHQGHN.

Hiện nay, Trường Đại học Y Dược đã thu hút được đội ngũ nhân lực chất lượng cao là các chuyên gia, các bác sĩ giỏi từ các cơ sở y tế hàng đầu của Việt Nam tham gia trực tiếp hoặc kiêm nhiệm vào việc điều hành, đào tạo và nghiên cứu của nhà trường.

 

BÀI VIẾT KHÁC

Hội nghị khoa học và triển lãm nha khoa: "Kết nối Nha khoa" - VNU DEC 2023

Ngày 15/12/2023, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội nghị khoa học và triển lãm nha khoa (VNU DEC 2023) đầu tiên với chủ đề “Kết nối nha khoa”. Đây là cơ hội cho các sinh viên, bác sĩ, nhà khoa học, giảng viên răng hàm mặt học tập và trao đổi các kiến thức nha khoa với các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế.
...

Chi tiết
Trường Đại học Y Dược chú trọng tăng cường xúc tiến đầu tư phát triển dự án khối ngành khoa học sức khỏe

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023 của Đại Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc diễn ra ngày 04/11/2023, Trường Đại học Y Dược đã tổ chức hội nghị chuyên đề về “Y học công nghệ cao và khoa học sức khỏe".
...

Chi tiết
Khai giảng năm học 2023-2024: Mở ra không gian mới cho giáo dục toàn diện, hướng tới một tương lai tốt đẹp, phát triển bền vững

Ngày 12/10/2023, ĐHQGHN đã tổ chức Lễ khai giảng năm học 2023-2024 tại Khu đô thị ĐHQGHN Hòa Lạc. Đây là chuỗi hoạt động nằm trong khuôn khổ các sự kiện kỷ niệm 30 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN (10/12/1993 - 10/12/2023).
...

Chi tiết
Trường Đại học Y Dược bổ nhiệm chức danh GS, PGS và thành lập 18 bộ môn mới

Ngày 17/5/2022, Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN đã tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, vinh danh Nhà giáo Ưu tú năm 2021; công bố giải thưởng khoa học công nghệ tuổi trẻ Trường Đại học Y Dược năm 2022; Quyết định thành lập 18 bộ môn và bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý.
...

Chi tiết