Nhân ngày đột quỵ thế giới (29/10), sáng nay, tại Hà Nội, Hội Đột quỵ TP Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN và Bệnh viện Bạch Mai tổ chức hội nghị Đột quỵ Quốc tế 2023 với chủ đề: Tiếp cận đa chuyên khoa nhằm cập nhật các kiến thức mới nhất về chẩn đoán điều trị, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân đột quỵ; xem xét, đánh giá lại phác đồ mới.
Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên từ sau khi thành lập hội Đột quỵ và cũng là dịp để BCH Hội ra mắt trước toàn thể hội viên Hội Đột quỵ thành phố Hà Nội, một hội nghề nghiệp với sứ mệnh tập hợp, liên kết các hội viên để hợp tác, hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Hội nghị là nơi quy tụ các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, nghiên cứu viên đến từ các bệnh viện và các trường đại học y của các tỉnh thành trong nước. Nhiều báo cáo viên quốc tế gồm các giáo sư, chuyên gia về đột quỵ đến từ các quốc gia như Áo, Canada, Úc, Nhật Bản, Nga, Malaysia, cùng với gần 2000 hội thảo viên từ khắp mọi miền đất nước, và khoảng 500 hội thảo viên tham dự online. Nội dung hội nghị gồm các báo cáo cập nhật mới nhất về chẩn đoán điều trị, can thiệp mạch não và các kỹ thuật chuyên sâu về đột quỵ, có tính ứng dụng thực tiễn cao trong lâm sàng.
Đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới. Những người bệnh sau đột quỵ có tới 71% bị mất khả năng lao động. Hậu quả của đột quỵ não không chỉ ảnh hưởng tới mỗi gia đình mà còn ảnh hưởng tới những vấn đề xã hội như gánh nặng y tế và lực lượng lao động. Đây cũng là một chuyên ngành luôn phải đối mặt với khó khăn, thách thức khi mà các cán bộ làm lâm sàng đột quỵ phải chạy đua với thời gian, với giờ vàng để tìm kiếm cơ hội sống cho người bệnh. Sự khó khăn, khắc nghiệt đó đòi hỏi người cán bộ làm đột quỵ phải có tinh thần trách, nhiệm cao, kiến thức vững vàng, không ngừng học tập, nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn và có mô hình tổ chức hiệu quả.
GS.TS.TTND Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN, Lê Ngọc Thành đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ môn Đột quỵ, Bệnh lý mạch máu não và Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai trong việc tổ chức hội nghị lần này. Với mong muốn được góp phần đào tạo chuyên khoa, chuyên sâu về Đột quỵ, năm 2022, Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN đã phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai xây dựng bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não trên cơ sở của Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai. Đây sẽ là một động lực mới cho sự phát triển của hệ thống Đột quỵ Hà Nội nói riêng và hệ thống đột quỵ nói chung, thể hiện một mô hình đào tạo hiệu quả, gắn chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành lâm sàng, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của thực hành lâm sàng Đột quỵ trước bệnh viện cũng như tại bệnh viện.
GS.TS Lê Ngọc Thành nhấn mạnh: “Hội nghị lần này là dịp để các thầy thuốc chuyên ngành cùng thảo luận, cập nhật những định hướng mới về Đột quỵ, những định hướng mới về đào tạo Đột quỵ cùng các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế”. Ông cũng bày tỏ lời cảm ơn các vị khách Quốc tế đến từ nhiều quốc gia, các giáo sư, bác sỹ chuyên ngành Đột quỵ của Hội đột quỵ Việt Nam, Hội Đột quỵ Tp. Hà Nội, đặc biệt là ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN và mong muốn sẽ nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các đơn vị trên.
TS.BS Nguyễn Tuấn Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu
Tại hội nghị, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Tuấn Tùng khẳng định quyết tâm phát triển hệ thống chuyên sâu về đột quỵ. Sự ra đời của Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai và Bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não tại Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bệnh viện và nhà trường. Ông cũng chúc mừng hội Đột quỵ đã tiên phong phát triển một lĩnh vực còn nhiều khó khăn vì sức khỏe người dân và mong muốn hội nghị sẽ phát huy những thành quả tốt đẹp, phối hợp cùng nhiều chuyên khoa khác tạo cơ hội tốt nhất cho người bệnh đột quỵ khi đến cấp cứu và điều trị tại các cơ sở y tế, đồng thời xây dựng chuyên ngành đột quỵ khu vực Hà Nội có vị thế cao trên bản đồ đột quỵ trong nước và đột quỵ thế giới.
PGS.TS.BS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai phát biểu
Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, Mai Duy Tôn nhấn mạnh, những kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ là những thông tin quý giá mang lại giá trị, mở ra những tiềm năng và cơ hội mới trong điều trị đột quỵ.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Hội nghị chọn chủ đề “Tiếp cận đa chuyên khoa” vì đột quỵ liên quan đến nhiều chuyên khoa: Rối loạn nhịp, suy thận, thừa cân … và quá trình điều trị cũng liên quan đến nhiều chuyên khoa: Dinh dưỡng, hình ảnh, hô hấp, chăm sóc, hồi sức cấp cứu.... Vì thế, cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa để tối ưu hoá việc điều trị đột quỵ.
Hội nghị năm nay diễn ra trong 2 ngày, gồm 44 bài báo cáo với nhiều chủ đề hấp dẫn như: “Tiêu huyết khối tĩnh mạch trong đột quỵ não: Làm sao để tối ưu hoá?”, “Dự phòng biến chứng, suy giảm nhận thức sau đột quỵ”, “Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ”, “Đột quỵ não do xơ vữa: Thách thức trong dự phòng thứ phát”, “Cấp cứu đột quỵ trước bệnh viện: Hiện thực và tương lai”, “Hồi sức đột quỵ nâng cao”, “Đột quỵ chảy máu não: Cập nhật điều trị 2023”, “Thuốc chống huyết khối: Cơ hội và thách thức trong thực hành lâm sàng”, “Can thiệp nội mạch trong đột quỵ: Năm 2023 có gì mới?” và “Tối ưu hoá dự phòng đột quỵ não” …
Một số hình ảnh tại hội nghị Đột quỵ Quốc tế 2023:
- Theo VNU Media|
- 28/10/23 00:00:00