Nhằm hướng đến nâng cao năng lực cấp cứu ngoại viện cho cộng đồng và nhân viên y tế, Bộ môn Y học cấp cứu ngoại viện, Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN đã phối hợp đoàn chuyên gia Đại học Birmingham (Vương Quốc Anh) tổ chức đợt Tập huấn “Giới thiệu thực hành lập bản đồ cấp cứu” ngày 20/02 và ngày 29/02/2024.
Bộ môn Y học cấp cứu ngoại viện, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, thành lập tháng 5/2023 với nhiệm vụ chuyên môn về đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội trong lĩnh vực cấp cứu ngoại viện. Bộ môn sẽ là đơn vị đào tạo chuyên ngành y học cấp cứu ngoài bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam, đặt nền móng khởi đầu để phát triển hệ thống cấp cứu trên toàn quốc. Trưởng Bộ môn là GS.TS. Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Nguyên Trưởng khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bạch Mai và 2 Phó Trưởng Bộ môn là: PGS.TS. Nguyễn Đức Chính, Nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và TS. Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội.
Nằm trong kế hoạch phát triển chương trình đào tạo cấp cứu ngoại viện, Bộ môn Y học cấp cứu ngoại viện, Trường Đại học Y Dược và Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đã phối hợp mời 02 chuyên gia của Đại học Birmingham (Anh) là GS. TS. Joy Notter và GS. TS. Chris Carter tổ chức đợt Tập huấn “Giới thiệu thực hành lập bản đồ cấp cứu” cho các cán bộ, giảng viên và nhân viên y tế công tác tại Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại buổi tập huấn, GS.TS. Joy Notter và GS.TS. Chris Carter đã trình bày khái quát về quá trình lập bản đồ cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân tại hiện trường tới bệnh viện và giới thiệu về hệ thống cấp cứu ngoại viện của Anh Quốc. Đồng thời thông qua các tình huống (case study) thực tiễn, các nhà khoa học đã ứng dụng việc lập bản đồ quy trình cấp cứu để phân tích các yếu tố ảnh hưởng và các rào cản trong quá trình cấp cứu tại địa bàn Hà Nội.
GS.TS. Nguyễn Gia Bình và các chuyên gia cho biết kết quả của phần thảo luận nhóm trong buổi tập huấn sẽ là cơ sở để đoàn tiếp tục hợp tác triển khai các nghiên cứu và xây dựng chương trình đào tạo cấp cứu ngoại viện tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam nhận được sự hỗ trợ từ những chuyên gia tới từ Anh Quốc trong lĩnh vực cấp cứu ngoại viện. Đợt tập huấn đã diễn ra thành công tốt đẹp. Kết thúc đợt tập huấn, các cán bộ tham gia đã được tiếp cận và mở rộng kiến thức, kỹ năng về cấp cứu ngoại viện, qua đó có thể học hỏi thêm từ cách triển khai dịch vụ chăm sóc sau chấn thương của hệ thống y tế tại Anh Quốc để ứng dụng cho việc nghiên cứu, triển khai công tác cấp cứu ngoại viện hiện tại.
Cấp cứu ngoại viện là các hoạt động cấp cứu ở bên ngoài khu vực bệnh viện như cơ quan, công sở, trường học, các khu du lịch, nhà máy, khách sạn, đường phố… và được thực hiện bởi những người gần mình nhất, người chứng kiến sự việc và có kỹ năng cấp cứu ban đầu hoặc nhân viên cấp cứu ngoại viện. Hiện nay, Việt Nam có hệ thống cấp cứu 115, tuy nhiên đa số người dân chưa hiểu biết đầy đủ nên chưa tích cực tham gia cấp cứu tại chỗ mà thường cho rằng cấp cứu là nhiệm vụ riêng của nhân viên y tế.
Theo chia sẻ của GS.TS. Nguyễn Gia Bình, Trưởng Bộ môn Y học cấp cứu ngoại viện, Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN trong cuộc sống, các tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và cần cần phải cấp cứu ngay lập tức và tại chỗ, nhất là các biến chứng nặng như ngừng tuần hoàn, ngừng thở vì sau 10 giây, não thiếu oxy, con người sẽ suy giảm ý thức, dẫn đến hôn mê, nguy cơ tử vong cao, nếu được cứu sống cũng phải chịu di chứng nặng nề… Do đó, việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. |
Một số hình ảnh tại buổi tập huấn: